CỦA CẢI VẬT CHẤT
DƯỚI NHÃN QUAN CỦA THÁNH KINH
6. GIA-CÓP , TÍN TRUNG VỚI THIÊN CHÚA
VÀ BIẾT XỬ THẾ
Nếu nơi Áp-ra-ham và I-sa-ác, ta đã học được chiều kích thụ động của cách thế làm giàu, tức là những gì các ngài đã tránh không vi phạm trong sự nghiệp làm ăn . Thì ở Gia-cóp ta sẽ có cơ hội học nơi ông cách thức chủ động trong làm ăn sinh sống, tức là ta sẽ thấy các hành động của ông cụ thể hơn, và qua đó ta sẽ nhận ra nơi ông rất nhiều nét rất gần với mỗi người trong chúng ta. Vì quả thật, ông có một cung cách xử thế rất người .
Trong cuộc sống, ta thường rất dễ bị rơi vào tình trạng chỉ cố gắng làm trọn một vài điều này mà lơi là những điều khác, và ngược lại. Ðiều khó và rất khó là làm sao giữ trọn mọi đàng : làm ăn sinh sống, và cả làm giàu nữa, trong khi vẫn giữ được tốt mọi quan hệ, hoặc khó hơn nữa là gây lại những mối quan hệ đã đổ vở ; đồng thời, vẫn luôn trung tín tin thờ Thiên Chúa, trong khi luôn quan tâm giữ đức công bình và lòng bác ái với mọi người.
Lần trước, ta đã thấy đôi nét về con người và cá tính của nhân vật Gia-cóp. Ông là một con người trầm tĩnh, biết nhìn bao quát và kiên trì theo đuổi các dự tính của mình, chịu khó làm lụng, rất sòng phẳng nhưng cũng rất lanh lợi ; và một điều rất quan trọng là nhận biết và thờ kính Thiên Chúa mà ông tin. Trong bài này, ta sẽ tìm hiểu vị tổ phụ này qua từng mối quan hệ xã hội của ông, với mong ước sẽ rút được một đôi bài học trong lĩnh vực này.
Vậy ta sẽ lần lượt xem ông xử sự thế nào với cha, với anh, với cậu, với vợ con, và với Thiên Chúa.
1 . Gia-cóp với cha, hiếu thảo đến cùng
Trong bài trước, ta đã thấy dường như I-sa-ác chỉ thương và nghĩ đến anh con trưởng Ê-xau và quên lững người con thứ Gia-cóp. Tuy vậy, Gia-cóp luôn tỏ ra kính sợ đối với cha mình, ông sẵn lòng vâng lời và luôn cố gắng thực hiện theo ý cha ( St 28,1-5 ; 29,15-30).
Có điều, như ta đã thấy, Gia-cóp đã phải gạt cha mình để nhận lời chúc lành. Ông làm như vậy, có lẽ vì hai lý do : thứ nhất, như ta đã nói trong bài trước, vì ông tin rằng ông có quyền thừa hưởng quyền trưởng nam đã mua của Ê-xau. Thứ hai, ông tin là ông phải thay thế Ê-xau, đó điều cần thiết để bảo đảm cho việc kế thừa lời hứa của tổ tiên một cách tinh tuyền; vì ông nhận ra rằng, khi chọn cưới những người ngoại tộc, Ê-xau đã đi trệch ra khỏi quỹ đạo đó. Hai lý do này không được Thánh Kinh nói rõ, nhưng không phải là ta không có lý để suy luận ra như vậy. Thực vậy, dường như Gia-cóp hiểu khá rõ tâm tính của người anh em sinh đôi của ông, ta sẽ thấy điều này rõ hơn, trong phần nói về tương quan Gia-cóp và anh mình.
Còn Ê-xau, dường như, ông ráng làm theo ý cha chỉ vì lời chúc lành mà thôi : khi nhận ra rằng mình đã bị hụt mất lời chúc lành và biết rằng cha mẹ chẳng hài lòng với các cô con dâu người Ca-na-an, Ê-xau đã chạy đi cưới thêm một cô vợ thuộc dòng dõi Ít-ma-ên với hy vọng sẽ cứu vãn được tình thế ( St 28,6-9), nhưng mọi chuyện đã quá muộn.
Một chi tiết khác cho thấy lòng kính trọng, yêu thương và hiếu thảo của Gia-cóp đối với cha : sau khi đã giao hoà với anh mình, và đến định cư tại Bết Ên theo lời của Thiên Chúa (xin xem St 35,1-15), Gia-cóp đã trở về thăm cha tại Măm-rê, trước khi I-sa-ác qua đời (xin xem St 35,27-29).
Gia-cóp đã giữ lòng hiếu thảo với cha cho đến cùng, không chỉ vì ông đã có mặt vào giờ lâm chung của I-sa-ác, mà quan trọng hơn nữa là ông đã chọn làm trọn ý cha mình : gìn giữ giềng mối tổ tiên. Ðó là một bài học đáng giá đầu tiên và ông còn nhiều điều khác nữa để cho ta học, như là cung cách xử sự với Ê-xau dưới đây.
2 . Gia-cóp với anh, tan rồi lại hợp
Lần trước, ta đã thấy làm sao Gia-cóp đã lợi dụng cái đói của Ê-xau để đổi tô cháo đậu lấy quyền trưởng nam. Và sau đó mọi chuyện đã diễn ra rất phức tạp. Quyền trưởng nam thì không có gì thay đổi, nhưng việc thừa kế lời chúc lành đã được chuyển cho Gia-cóp với một vụ cướp cờ . Sau vụ đó, mối quan hệ giữa hai anh em thật xấu, xấu đến mức ta nghe kể : Ê-xau tự nhủ : Sắp đến ngày lo đám tang cho cha ta rồi ; bấy giờ ta sẽ giết Gia-cóp em ta ! (St 28,41). Lời này gợi lại chuyện Ca-in đã giết em mình là A-ben (xin xem St 4,3-8). Thực ra, I-sa-ác còn sống ít ra là 20 năm nữa, tính theo số năm Gia-cóp cư ngụ tại nhà La-ban.
Không có gì nghi ngờ về việc Gia-cóp luôn bận tâm đến việc làm hoà với Ê-xau qua cách ông đã chuẩn bị để gặp lại anh mình, khi trở về từ nhà ông cậu La-ban. Dường như Gia-cóp đã tìm hiểu rất kỹ về người anh em sinh đôi mà vốn ông đã biết khá rõ tâm tính. Thực vậy, ta thấy ông đã chuẩn bị thật chu đáo cho cuộc tái ngộ với anh. Nó đã được thực hiện bằng nhiều buớc : trước hết bởi các đầy tớ của ông với những đàn gia súc dâng tặng cho Ê-xau làm lễ vật. Ðiều này thật hiệu quả : Ê-xau nguôi lòng dần cho đến khi chính Gia-cóp thân hành gặp anh với nhiều lễ vật hơn nữa, vốn là của cải do chính công sức của ông làm ra. Ông đã xoa dịu hoàn toàn anh mình ( St 32,4-22). Việc này đạt được không chỉ đơn thuần vì lễ vật dâng tặng mà quan trọng hơn là vì tấm lòng hiếu hòa và muốn làm hoà của ông. Thực vậy, một con người đã dám vật lộn với Sứ Thần của Thiên Chúa như Gia-cóp ( St 32,23-30), có lẽ, không dễ run sợ trước một Ê-xau, có chăng là ông không muốn xảy ra cảnh huynh đệ tương tàn, điều mà cha mẹ ông không mong đợi.
Gia-cóp đã biết và dám dùng của cải do chính công sức mình làm ra, khi ông còn ở nhà La-ban, để mua lấy hoà bình cho ông và gia đình ông, để giao hoà với người anh mà vốn mối quan hệ đã trở nên vô cùng tồi tệ. Chẳng những ông đã tránh được cảnh huynh đệ tương tàn mà còn thiết lập lại được tình anh em như thuở nào. Quả vậy, khi I-sa-ác qua đời, Ê-xau và Gia-cóp đã chôn cất ông (St 35,29).
Vâng, thêm một bài học quí giá cho ai ở trong hoàn cảnh tương tự. Tuy nhiên, Gia-cóp không phải là tay vừa, trong tương quan với La-ban ông cũng biết ăn miếng trả miếng.
3 . Gia-cóp với cậu, ăn miếng trả miếng
Thời gian biệt xứ của Gia-cóp tại nhà La-ban đã kéo dài đến 20 năm trời ( St 31,38). Lúc đầu Gia-cóp hết lòng phục vụ làm công cho La-ban với lòng biết ơn đã cưu mang ông trong thời kỳ lưu lạc. La-ban, một ông chủ giỏi khai thác và biết lợi dụng yếu điểm của người khác : ông nhận ra rằng Gia-cóp rất mê cô con gái út Ra-khen của ông, nên ông tìm cách gợi ý cho Gia-cóp tự nguyện phục vụ ông 7 năm trời để được cưới cô ta ( St 29, 15-20). Nhưng khi hết hạn 7 năm, ông đã tổ chức gạt Gia-cóp bằng cách đánh tráo cô Ra-khen bằng cô chị Lê-a trong đêm tân hôn. Khi Gia-cóp chất vấn thì ông giải thích bằng phong tục của xứ ông và đặt Gia-cóp trước tình thế phải chọn làm công cho ông thêm 7 năm nữa để thực sự cuới được cô Ra-khen ( St 29,21-30). Sau 14 năm ròng làm công cho ông cậu để cưới được hai người vợ, Gia-cóp vẫn hoàn tay trắng. Ông muốn trở về quê quán của mình, nhưng La-ban chẳng tỏ chút ý nào về việc cho Gia-cóp ít tài sản làm vốn, mặc dù ông đã trở nên ngày một giàu có nhờ tay Gia-cóp ( St 30,25-30).
Nhưng, có lẽ, La-ban đã quên rằng cháu ông vốn là một tay không vừa. Thật vậy, một khi nhận rõ rằng ông cậu chơi khăm mình, Gia-cóp đã nghĩ ra cách để lấy lại phần công của ông đáng được hưởng : ông xin ở lại làm việc tiếp tục cho La-ban với một điều kiện có vẻ chẳng thông minh gì, đó là xin nhận phần công cán là những con vật vằn vện, trong khi đó các đàn gia súc khổng lồ của La-ban chỉ tuyền trắng phau, ngoại trừ vài con lốm đốm (xin xem St 30,31-33). La-ban luôn đinh ninh rằng lần này ông lại ép được thằng cháu làm việc theo ý mình. Ông đã thay đổi công xá của Gia-cóp đến 10 lần trong vòng 6 năm đó (xin xem St 31,6-7 ; 31,38-41). Cho dù thế, Gia-cóp vẫn cứ phải làm việc cho ông, khiến ông càng tin tưởng vào tài nghệ khai thác của mình. Ông tin rằng ông đã đắc thắng. Có điều, ông không nghĩ nỗi rằng, cho dù "vỏ quít" của ông có dầy đến mấy, "móng tay" của Gia-cóp còn nhọn hơn nhiều. Nhưng khi ông nhận ra điều đó thì đã quá muộn rồi.
Về phần Gia-cóp, ông có kế hoạch, nhưng ông chỉ thực hiện nó để lấy phần công lao ông đáng được sau 20 năm ròng rả làm việc cực khổ. Ông lo lấy phần của ông, nhưng ông cũng không quên phần của La-ban, để rồi cuối cùng cả hai cùng giàu có như nhau. Thánh Kinh ghi rằng : Thế là ông [Gia-cóp] trở nên giàu, thật giàu (St 30,43). Rồi một ngày kia, khi nhận thấy sẽ không ổn, nếu cứ tiếp tục ở lại lâu hơn, Gia-cóp đã tính chuyện trốn đi trở về quê quán ( St 31,1-21) với hy vọng sẽ được gặp lại cha và giao hoà với anh.
Bài học về một lối xử sự rất sòng phẳng, nhưng cũng rất nhân bản. Trước hành vi khai thác của một tay ma-lanh như La-ban, Gia-cóp tìm cách lấy lại phần công của mình, đồng thời ông cũng không quên phần của ông cậu. Ở đây vấn đề trở nên rất tế nhị. Cần phải thật thận trọng trước những tình huống như thế, vì chẳng phải là lý tưởng gì cái cung cách ăn miếng, trả miếng . Tuy nhiên, ta thấy nó có mặt trong cách xử thế của vị tổ phụ này. Và một điều đáng giá hơn : cách ông cư xử trong gia đình với tư cách một người cha.
4 . Gia-cóp với vợ con, yêu thương tất cả
Nếu Áp-ra-ham yêu thương vợ cả, Sa-ra, và con bà là I-sa-ác, hơn người vợ thứ, Ha-ga và đứa con Ít-ma-ên của bà : chỉ vì sự ganh tỵ và lời xui giục của bà vợ cả mà ông đã xua đuổi hai mẹ con Ha-ga ra khỏi nhà ( St 21,8-14). Và nếu I-sa-ác thương yêu người con trưởng hơn đứa con thứ : ông chỉ nghĩ đến mỗi mình Ê-xau và dường như không hề biết đến sự có mặt của Gia-cóp. Thì ơ Gia-cóp, vị tổ phụ thứ ba này, ta sẽ thấy ông đã quan tâm đến tất cả gia đình đông đúc của ông, không loại trừ một thành viên nào. Thật vậy, cho dù yêu bà Ra-khen hơn hết, và qua bà yêu thương hai đứa con Giu-se và Ben-gia-min của bà hơn mười người con khác của ba bà vợ kia (Lê-a, Din-pa và Bin-ha) ; cho dù có sự ganh tỵ giữa các bà vợ ( St 30,1-21) và giữa các anh em kia với đứa con cưng Giu-se của ông (St 37, 2-11) ; và cho dù đã xảy ra chuyện mấy người anh thoả hiệp bán Giu-se sang Ai-cập làm nô lệ chỉ vì ganh ghét ( St 37,12-36) ; Gia-cóp đã gần như luôn luôn qui tụ được cả gia đình ông chung quanh ông và ông đã quan tâm đến từng thành viên một.
Ðể chứng minh cho điều này, ta có câu chuyện về những ngày cuối đời của Gia-cóp trên đất Ai-cập trong St 48,1 - 50,14 : sau khi gia đình được đoàn tụ tại đất Gô-sen thuộc xứ Ai-cập (St 47,27) , trước khi chết, ông Gia-cóp đã qui tụ tất cả con cái ông lại rồi chúc lành cho từng người một, mỗi người một lời chúc phúc riêng (St 49,28), trong đó có cả hai đứa cháu nội Mơ-na-se và Ép-ra-im, con của ông Giu-se, mà Gia-cóp đã nhận làm con nuôi trước đó ( St 48,1-6).
Bài học về tình thương và sự quan tâm đến tất cả. Gia-cóp đã qui tụ được đại gia đình của ông trong tình thương. Gia đình đó đã dần trở thành một dân tộc, Dân Chúa chọn.
5 . Gia-cóp với Thiên Chúa, một lòng trung tín
Ta có thể nói rằng điều khiến Gia-cóp đã có thể giữ được trọn vẹn mọi mối tương quan với mọi người là vì ông đã cắm rễ sâu trong niềm tín trung nơi Thiên Chúa ông thờ. Ta có lý khi tin như vậy, vì Thiên Chúa đã có mặt bàng bạc trong suốt cuộc sống của ông : ngay từ khi còn trong bụng mẹ ( St 25,21-23) và trong mỗi khúc quanh cuộc đời. Phần ông, ông luôn giữ lòng kính sợ và trung tín với Ngài trong mọi hoàn cảnh.
- Lần thứ nhất, khi ông rời nhà cha mẹ đi đến nhà La-ban để trốn Ê-xau, thì tại Lút, nơi mà ông sẽ đặt tên lại là Bết Ên, vào đêm hôm đó Thiên Chúa đã hiện ra đứng trên đầu một chiếc thang bắt lên tận trời : Người đã chúc lành cho ông, còn ông đã khấn hứa sẽ dâng cho Người một phần mười mọi của cải mà ông được ban cho (xin xem St 28,10-22).
- Lần thứ hai, sau 20 năm sinh sống nơi nhà La-ban, và nhờ chúc lành của Thiên Chúa ông đã trở nên giàu có, Thiên Chúa đã phán với ông : Hãy trở về quê cha đất tổ, về với họ hàng ngươi : Ta sẽ ở với ngươi (St 31,3).
- Lần thứ ba, trên đường trở về từ nhà La-ban, sau khi ký thoả hiệp với ông cậu La-ban về việc phân chia ranh giới giữa hai ông, đến một một nơi mà ông đặt tên là Ma-kha-na-gim vì ông đã nhìn thấy các sứ thần của Thiên Chúa ở đó (xin xem St 32,1-3).
- Lần thứ tư, suốt đêm hôm trước khi ông gặp lại Ê-xau, bên bờ sông Giáp-bốc, nơi ông sẽ đặt tên là Pơ-nu-ên, ông đã vật lộn với một Người - được nhìn nhận là chính Thiên Chúa - và Người đó đã chúc lành cho ông. Cũng tại nơi đó, ông được Người đó đổi tên là Ít-ra-en, thay cho tên Gia-cóp (xin xem St 32,23-33).
- Lần thứ năm, khi ông đang cư ngụ tại Si-khem, Thiên Chúa đã phán bảo ông hãy dọn đến ở Bết Ên (xin xem St 35,1).
- Và lần cuối cùng, trên đường di chuyển xuống Ai-cập để được nhìn thấy lại đứa con yêu quí Giu-se, ông đã dừng lại tại Bơ-e Sơ-va để dâng lễ vật kính Thiên Chúa, và trong một thị kiến ban đêm, Thiên Chúa đã hiện ra với ông để khẳng định sự đồng hành của Người với ông và dòng dõi ông, cho dù là ở Ai-cập ( St 46,1-4).
Gia-cóp đã không lơi là trong việc thờ kính Thiên Chúa, ông trung tín cho đến cùng. Ông xứng đáng là một trong ba vị tổ phụ của Dân Thiên Chúa, với một niềm tin tinh tuyền.
6 . Một ví dụ hoàn hảo về cách xử thế
Làm nên sự nghiệp bằng chính công sức của mình, lấy cho được phần của mình nhưng không quên phần của người khác, không ngại dùng của cải để được lại anh em, cùng với tính xấu của một con người, Gia-cóp, là nhân vật thật gần gủi với chúng ta. Tuy nhiên, ông vượt trội chúng ta về mặt niềm tin. Chính vì thế mà ông đã có thể có được cách xử thế rất đáng phục và cũng rất khó thực hiện. Ðối với gia đình, ông đã xử thật trọn vẹn : kề cận bên cha vào giờ phút cuối, giao hoà được với anh, thoả hiệp được với cậu, qui tụ được các con - để trở thành một dân tộc, Dân của Chúa. Tắt một lời, nơi Gia-cóp : một lòng tín trung với Thiên Chúa, một cung cách xử thế vẹn toàn.
An Thụ
Nguồn: simonhoadalat.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét