Nhiều người nói rất tốt nhưng lại tệ về khoản viết lách, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công việc.
Họ viết câu chữ mơ hồ, loằng ngoằng, sai chính tả, ngữ pháp… Nhiều người đã phải trả giá cho điểm yếu này. Họ không được đồng nghiệp đánh giá cao, mất cơ hội lên chức hoặc gặp trục trặc trong công việc. Nhiều ứng viên xin việc đã bị loại ngay từ vòng đầu vì đơn xin việc quá… tệ.
Nói thao thao bất tuyệt không có nghĩa là viết sẽ tốt
Kết thúc buổi họp, ai cũng tiếc cho Xuân Vy, 27 tuổi, nhân viên phòng Kế hoạch Công ty TNHH Mai Lan, Q.3, TP.HCM. Cô thuyết trình một dự án kinh doanh có tính chất đột phá, mới mẻ và rất khả quan.
Nghe cô nói thao thao suốt một tiếng rưỡi đồng hồ, ai cũng nghĩ ban giám đốc sẽ đồng ý với bản dự án. Chẳng ngờ, cuối buổi họp, phó tổng giám đốc phàn nàn là cô trình bày hay nhưng phần văn bản kém quá. Câu cú dài lê thê, các số liệu, biểu đồ mới, cũ lộn xộn. Đọc xong, ông chẳng hiểu cô muốn nói gì qua “đám rừng” ấy.
Ông yêu cầu cô làm lại một văn bản mới. Nếu không, dự án sẽ không được duyệt.
Điều đó cũng có nghĩa là việc đề bạt cô lên chức phó phòng sắp tới cũng phải xem xét lại.
Viết hay?
Để viết đúng, cần phải chú ý đến cú pháp, chính tả. Muốn viết hay, đòi hỏi người viết phải có vốn từ vựng phong phú, biết dùng từ đúng với hoàn cảnh, tính chất công việc và hợp với đối tượng nghe hoặc đọc.
Viết hay còn thể hiện ở việc dẫn dắt vấn đề rõ ràng, mạch lạc, thú vị và cuốn hút người khác.
Nhiều người quan niệm rằng những bản báo cáo, kế hoạch khó viết hay vì nó liên quan nhiều đến số liệu. Thật ra, khi khả năng viết của bạn tốt thì viết gì cũng hay.
60% học giỏi văn từ nhỏ
Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát bỏ túi với 30 người, là giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng của những công ty lớn tại TP.HCM. Kết quả cho thấy 60% trong số họ học giỏi văn từ nhỏ.
Họ thường đọc bài văn mẫu của mình cho cả lớp nghe hoặc đoạt giải trong các kì thi học sinh giỏi cấp thành phố. 40% còn lại học văn cũng không quá tệ, từ trung bình-khá trở lên.
70% số người được thăm dò cho biết, họ rất quan tâm đếm khả năng viết lách của ứng viên. Theo họ, viết cũng là một yếu tố quan trọng như bằng cấp, năng lực, kinh nghiệm. Yếu tố này tác động không nhỏ đến quyết định họ có chọn ứng viên đó hay không.
Không giỏi thì phải học
Những người được thăm dò cho biết: Qua một văn bản, họ sẽ biết được tư duy, tính cách, sự sắp xếp công việc của người nào đó. Một người biết cách sắp xếp, suy luận logic thì văn bản viết của họ sẽ mạch lạc, bố cục rõ ràng, chặt chẽ.
Mọi người cùng đồng tình rằng, giải pháp tốt nhất để rèn luyện kỹ năng viết trong công việc là thường xuyên đọc sách văn học. Nên tham khảo các văn bản mẫu trước khi bắt tay vào thực hiện. Nên đọc đi đọc lại văn bản khi đã hoàn thành để phát hiện và sửa các điểm sai sót.
Viết tốt đồng nghĩa với thăng tiến
Chị Nguyễn Thị Kim Hương, giám đốc nhân sự Công ty TNHH Astrazeneka, cho biết: “Với các vị trí như nhân viên hành chính, thư kí, kế toán… chúng tôi rất chú trọng đến kĩ năng viết lách của ứng viên khi tuyển dụng. Một số người lúc tuyển vào họ viết tương đối tốt nhưng khi làm việc chúng tôi vẫn phải đào tạo họ cách viết cho phù hợp với yêu cầu của công việc”.
Như vậy, có thể thấy viết lách rất quan trọng, ảnh hưởng đến công việc, khả năng thăng tiến và số mệnh của mỗi người.
Chính vì thế, ngay từ bây giờ bạn nên trau dồi kĩ năng viết. Chú ý đến câu chữ khi soạn thảo một văn bản bất kì để không bị “bút sa gà chết”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét