MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI : CHƯƠNG 11
MẦU NHIỆM “LẮNG NGHE”
TRONG TÂN ƯỚC
Khi Lời Chúa nhập thể
Tin Mừng của thánh Mác-cô mở đầu việc rao giảng công khai của Thầy
Giê-su bằng vài hàng tóm lược tất cả sứ vụ của Thầy và nét chính yếu của niềm
tin ki-tô hữu: “Sau khi ông Gio-an bị
nộp, Ðức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói:
"Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và
tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14-15).
Ở đây Mác-cô không triển khai thêm nội dung chính xác của “Tin Mừng”,
vì đối với ông trước hết, Tin Mừng chính là con người của Thầy Giê-su. Chính là
sự thâm nhập vô hình của tình yêu Thiên Chúa nơi Thầy Giê-su, Đấng đã đến đồng
hành trên mọi nẻo đường trần thế, để làm cho con tim và nhân tính của chúng ta
nên phong phú.
Thầy đã khai trương triều đại của tình yêu Thiên Chúa nơi chính con
người của Thầy, làm người để ở gần chúng ta. Thầy là Giao Ước nhập thể, là con
đường mới. Lời của Người nhập thể để “đưa chúng ta về” với Thiên Chúa. Tin
Mừng, Phúc Âm của Chúa không phải là một “cuốn sách”, nhưng là một Người sống
động, một biến cố lịch sử.
“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin
Mừng.” Chẳng phải ngẫu nhiên mà
Mác-cô liên kết chặt chẽ hai động từ cốt lõi này ở đây: “sám hối” và “tin”. Vì
đối với Mác-cô, sám hối, trước hết không phải là đi từ tật xấu đến nhân đức,
nhưng là tin vào biến cố vô cùng trọng đại: Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta. Tin
rằng Giê-su khai trương cho Vương Quốc của Thiên Chúa, Vương Quốc của Tình Yêu,
ngay trên mặt đất này của chúng ta.
Đúng là niềm tin đòi hỏi một cuộc hoán cải thực sự của tâm linh, một
cuộc hoán cải triệt để về mọi cách thế suy tư, tưởng nghĩ của chúng ta về Thiên
Chúa. Sự hoán cải, cũng như niềm tin của ta là một xúc tiến sinh động, một lộ
trình không bao giờ kết thúc, vì sẽ chẳng bao giờ chúng ta hòa nhịp trọn vẹn
được với Tin Mừng của Thiên Chúa, chẳng bao giờ ta đón nhận cho đủ, với lòng
tín thác vào ơn thâm nhập vô hình của Thiên Chúa, Đấng đã quyết định đến viếng
thăm, cứu chuộc chúng ta qua Đức Giê-su Ki-tô.
Vậy hoán cải chính là, với ơn thánh Chúa, thay đổi hướng đi của cuộc
đời, từ những toan tính nhỏ mọn hẹp hòi, nhắm vào tư lợi chốc lát của ta, để
“trở lại với Thiên Chúa”, bước theo Đức Ki-tô là đường đi.
Hoán cải, chính là chấp nhận được giải cứu, được thành
toàn bởi một Người Khác, và hòa nhịp đời mình với sự kiện đó. Hoán cải và
niềm tin là một, không thể tách rời. Để hoán cải, để thay đổi định hướng của
cuộc đời, ta phải dám tín thác vào Giê-su, dám đánh cuộc tương lai của ta với
Thầy.
Hoán cải, không phải là chỉ hối tiếc tội lỗi mình, (bằng
những nghi thức thường có trong mọi tôn giáo), nhưng là xác tín rằng con người
Giê-su là Lời của Thiên Chúa, có quyền lực làm thay đổi, “chuyển hướng” lòng
tôi, mọi tư duy của tôi. Không thể có hoán cải mà không có lòng tin: “Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng
tin" (Mc 9, 23). “Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu,
các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8, 24). Và Thầy Giê-su cũng lặp lại nhiều lần: “Hãy ra đi, đức tin của con đã cứu con!”
Lắng nghe và tin
Đối với thánh Gio-an, hai động từ “lắng nghe” và “nghe” rất quan trọng;
chúng được dùng tới 58 lần trong Tin Mừng của ngài. Chúng còn nằm trong số
những từ vựng của mạc khải, mà đối tượng thường là Thầy Giê-su, cũng có khi là
Chúa Cha.
Ta nên nhớ Thầy Giê-su đã tự giới thiệu là người lắng nghe và làm chứng
về những gì chính Thầy đã nghe thấy. Giê-su liên lỉ sống trong thái độ lắng
nghe Cha. Thầy là Đấng đã "đến từ trời cao (...) để làm chứng cho điều Người đã thấy và đã nghe" (Ga 3,
31-32).
“Ðấng đã sai tôi là Ðấng chân thật; còn tôi, tôi nói
lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói” (Ga 8, 26), “Thế mà bây
giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã
nghe biết từ Thiên Chúa” (Ga 8, 40).
Là
người Con, Thầy đã cho các môn đệ, như những người bạn thiết nghĩa, biết tất cả
những gì đã được “nghe thấy” nơi Cha của mình. “Những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).
Thánh
Gio-an còn nhấn mạnh cách đặc biệt mối liên hệ chặt chẽ giữa “nghe Lời” và
“tin”. “Thật, tôi bảo thật các ông: ai
nghe lời tôi và tin vào Ðấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời” (Ga 5, 24).
Lắng nghe Lời Thầy, nhận biết và tin rằng Thầy là Đấng Cha sai đến, gắn
kết với Lời Thầy như với chính Lời của Chúa Cha, thực ra chỉ là một động tác.
Việc lắng nghe và tin đòi hỏi một sự chuẩn bị nội tâm,
nhưng việc chúng ta đón nhận và nghiền ngẫm trong thinh lặng của con tim mới là
chính yếu. Niềm tin không phải là kết quả của những buổi thảo luận, bàn cãi lâu
giờ, mà là của sự “thinh lặng để lắng nghe”, để tiếp đón sự linh hứng nhiệm mầu
của Chúa đã uốn lòng con người rộng mở cho mầu nhiệm Mạc Khải.
“Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Ðấng đã
sai tôi, không lôi kéo người ấy ... Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết
mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của
Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi” (Ga 6, 44-45).
Một chủ đề khác của thánh Gio-an là “nghe tiếng”, để nói về một tương
quan trực tiếp với con người của Thầy Giê-su; Thầy là “tiếng nói”, người Con
này của Thiên Chúa là suối nguồn của đời sống vĩnh cửu. Cả những người đã chết,
nhưng tin vào Lời Thầy, cũng nghe được “tiếng nói” này.
“Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến - và chính là
lúc này đây giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được
sống. Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người
Con được có sự sống nơi mình như vậy” (Ga 5, 25-26).
“Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là
để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37).
Đem so với “lời”, thì “tiếng” có một âm vang mạnh hơn của lời gọi, của
lời mời khẩn trương. “Nghe” và nhất là “nghe” “tiếng”, ngầm nói lên một liên hệ
thân thuộc song phương giữa người phát ra tiếng và người nhận ra âm vang của
tiếng. Bài giảng huấn về “Vị Mục Tử nhân lành” minh chứng rõ điều này, và đồng
thời nói lên ý nghĩa thâm thuý của việc “nghe tiếng”.
“Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người
giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con,
rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo
sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh”... “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi;
tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao
giờ chúng phải diệt vong” (Ga 10, 3-4; 10, 27-28).
Bầy
chiên “nghe tiếng Thầy” vì Thầy gọi mỗi con bằng tên riêng của nó, nên chúng
nhận biết tiếng của Thầy. Cũng như Ma-ri-a Ma-đa-lê-na nhận ra tiếng Chúa
Giê-su ngay khi nghe tên mình “Ma-ri-a!” (x. Ga 20, 16). Cô nhận ra Thầy không phải vì đã thấy Thầy – vì cô
tưởng đó là người làm vườn – nhưng bởi cô đã nghe tiếng của Thầy mình. Cũng như Nàng của sách Diễm Ca đã “nhận
ra tiếng của Chàng” (x. Dc 2, 8; 5, 2; 8, 13).
Chẳng khác gì Gio-an Tẩy Giả tự ví mình như bạn chàng rể, “đứng đó để
nghe và vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng chàng” (Ga 3, 29). Lời của Chúa chỉ có thể đụng chạm đến tâm hồn nào sẵn
sàng trong thái độ lắng nghe.
Lắng nghe và đem ra thực hành
Các văn bản của Tân Ước vẫn tiếp nối viễn tượng và bối cảnh của Sách
Thánh. Chúng ta thấy lời kêu gọi “lắng nghe”, theo Sách Thánh, có nghĩa là “đem
ra thực hành”:
“Mẹ và anh em Ðức Giê-su đến gặp Người,
mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Họ báo cho Người biết:
"Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy".
Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và
đem ra thực hành” (Lc 8, 19-21).
“Khi Ðức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa
đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ
đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! Nhưng Người đáp lại: "Ðúng hơn phải nói
rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,
27-28).
“Tại sao anh em gọi Thầy: "Lạy Chúa! Lạy
Chúa!", mà anh em không làm điều Thầy dạy? "Ai đến với Thầy, và nghe
những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người
ấy ví được như ai. Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào
sâu và đặt nền móng trên đá. Khi xảy ra lụt, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng
không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc” (Lc 6, 46-48).
Ngày Thầy Hiển Dung trên núi, có tiếng của Cha vọng ra từ đám mây, cũng
không nói gì khác hơn những gì các ngôn sứ đã không ngừng kêu gọi trong Thánh
Kinh: Hãy nghe Người!
“Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai
con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi
làm vườn nho". Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó
hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp:
"Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó,
ai đã thi hành ý muốn của người cha?" Họ trả lời: "Người thứ
nhất". Ðức Giê-su nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu
thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,
28-31).
Trình thuật trên đây đã nói lên tất cả tầm mức quan trọng của việc lắng
nghe và vâng phục trong niềm tin. Người con trả lời “vâng”, rồi lại không đi,
có lẽ muốn ám chỉ dân Giao Ước, họ nắm giữ Lề Luật nhưng lại không biết “lắng
nghe” sự mới mẻ của Lời Chúa được mạc khải nơi Thầy Giê-su. Và người con nói
“không” nhưng sau đó đã lên đường, chắc chắn là ám chỉ các dân ngoại, các người
tội lỗi, nhưng lại sẵn sàng nghe Lời Chúa. Nên không phải tất cả những ai nói
“vâng” đều là những người nghe thực sự đâu! Chúng ta cũng có thể nhân danh
những thói quen đạo đức của mình mà tự biến mình thành “vô cảm” trước những
tiếng gọi của Chúa.
Đi lễ hằng ngày có ích gì nếu ta đặt “con tim” trong một thành trì “bất
khả thâm nhập”, trước những tiếng gọi của Thần Khí, của anh em, của những biến
cố muốn lay động thói quen cố hữu của chúng ta?
Cũng như trong toàn bộ Sách Thánh, việc nghe Lời Chúa và lòng tin yêu
luôn gắn chặt với nhau. Ta chỉ có thể nghe nếu ta tin tưởng vào người nói với
mình, mà chỉ tin tưởng được nếu cảm nhận được người đó yêu thương ta. Nghe bao
giờ cũng là “tin” vào một người khác. Chấp nhận trở nên dễ thấm nhập trước lời
nói của người khác. Tín thác. Chấp nhận một cách khiêm hạ rằng mình không phải
là trọng tâm của mọi sự, đón nhận một tia sáng không phải chỉ do lý trí sáng
suốt của tôi mà đến. Tin là nghe, là rộng mở trước tiếng gọi do Thiên Chúa khởi
xướng.
Trong Kinh Thánh, từ “tin”, “tin tưởng” (emunah), do gốc tiếng Do-thái là “aman” chỉ những cây cọc mà dân
du mục đóng chung quanh lều trại của họ, để gió không thổi bay đi mất. Sau đó
dần dần từ ấy được dùng để chỉ sự vững chắc của mặt đất, một hợp đồng giữa hai
chi tộc, rồi cũng để chỉ sự vững bền của Thiên Chúa, bền chắc như tảng đá để ta
có thể nương tựa, là Đấng ta có thể tin tưởng.
Vì thế mà Gio-suê, sau khi tập hợp mọi chi họ Ít-ra-en ở Si-khem, đã
nhắc nhở dân chúng tất cả những gì Thiên Chúa đã làm để giải phóng dân, và ký
giao ước với họ. Và sau khi đứng nghe đọc Lề Luật diễn giải Giao Ước, toàn dân
đồng thanh hô to: “A-men. Chúng tôi sẽ
phụng thờ Ðức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi” (Gs 24).
Đây cũng là điều mà chúng ta làm trong mỗi thánh lễ. Khi linh mục lặp
lại lời Thầy Giê-su tuyên bố một Giao Ước Mới được ký kết bởi sự chết và phục
sinh của Thầy, toàn thể cộng đoàn tham dự đồng thanh đáp: “A-men”. Đúng vậy,
chúng ta gắn kết với Giao Ước Mới được ký kết bởi cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô,
vì đó là nền tảng vững bền, chúng ta có thể tín thác nơi Người: A-men.
Sự vâng phục của niềm tin được lưu truyền bởi Lời
Chúng ta thấy nơi thánh Phao-lô ý nghĩa Thánh Kinh của việc nghe: tin,
vâng phục, đem ra thực hành. Chính vì vậy mà thánh nhân đã dùng kiểu nói sự vâng phục của niềm tin. Hai chữ “vâng
phục” do nguồn gốc Hy-lạp, có nghĩa là “nghe”, “lắng tai”. Theo ngữ học, từ
“obéir” của tiếng Pháp cũng gợi lên cái mầu nhiệm của sự lắng nghe này. Theo
các tác giả Thánh Kinh, vâng phục không phải là một sự chịu lụy mù quáng hay
thụ động, mà là một sự “vâng nghe của con tim”. Đối với thánh Phao-lô, niềm tin
được nẩy sinh từ việc “lắng nghe Tin Mừng”, Lời của Đức Ki-tô. Nó là một sự gắn
kết tự do vào chứng tá của các Tông Đồ, chứng nhân của đức Ki-tô.
“Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được các
đặc ân và chức vụ Tông Ðồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục[1] Tin
Mừng” (Rm 1, 5).
Sự “lắng nghe của niềm tin” này, theo Kinh Thánh, là một cam đoan để
sống, để đem ra thực hành Lời Chúa được mạc khải nơi Đức Giê-su: “Người đáp
lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là
những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21).
Đối với thánh Phao-lô, tin là theo Đức Ki-tô, sống hiệp thông với
Người. Thánh nhân đã không ngần ngại tuyên bố: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi…”
(Gal
2, 20).
Nhưng để con người có thể lắng
nghe Lời Mạc Khải này, Lời đó cần phải được loan báo. Nên Phao-lô mới nói, Thiên Chúa đã sai những vị “rao
giảng” Tin Mừng trong toàn thế giới, để mở
lòng con người cho niềm tin vào Lời Đức Ki-tô.
“Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Ðấng họ không tin? Làm
sao họ tin Ðấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?
Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Ðẹp thay bước
chân những sứ giả loan báo Tin Mừng! Nhưng không phải mọi người đều đã vâng
theo Tin Mừng; chính ngôn sứ Isaia đã nói (52, 7): Lạy Ðức Chúa, ai đã tin khi nghe chúng
con giảng? Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng,
mà nghe giảng là nghe công bố lời Ðức Ki-tô” (Rm 10, 14-17).
Phao-lô xác tín rằng sứ vụ tông đồ của ông chủ yếu là công bố Lời, Tin
Mừng, để thức tỉnh lòng mọi người niềm tin vào Đức Ki-tô, đặc biệt là dân
ngoại. Các tông đồ chỉ là những người phụng sự, những sứ giả đem các “tín hữu”
đến với niềm tin: “Vậy A-pô-lô là gì?
Phao-lô là gì? Ðó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã
làm theo khả năng Chúa ban” (1Cr 3, 5).
Lắng nghe của niềm tin là một ơn của Thần Khí
Lời Chúa được mạc khải không cất giấu trên trời, nhưng
đã được loan báo bởi các chứng nhân, Lời ấy đã vang dội trong lòng chúng ta, đã
vào tận thâm cung con người chúng ta, để mỗi người có thể đón nhận cách tự do
và nhận biết rằng Đức Giê-su là “Chúa”. Lời mạc khải này cũng không chỉ dành
riêng cho một số người đã được khai tâm, nhưng đó là một ơn ban cho mọi người:
“Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong
lòng. Lời đó chính là lời đức tin chúng tôi rao giảng. Nếu miệng bạn tuyên xưng
Ðức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại
từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên
công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,
8-10).
Nhưng nếu Lời đã được ban tặng cho mọi người, thì mọi
người cũng cần phải đón nhận Lời cách hoàn toàn tự do nhờ ơn soi sáng của Thần
Khí, như thánh Phao-lô quả quyết: “Không
ai có thể nói rằng: "Ðức Giê-su là Chúa", nếu người ấy không ở trong
Thần Khí” (1 Cr 12, 3b).
Chính Phao-lô đã kinh nghiệm rằng niềm tin không dựa
trên sự lỗi lạc của lý trí, trên sự khôn ngoan của con người, mà là trên tác
động của Thiên Chúa, Thần Khí của Người thâm nhập vào tận đáy lòng chúng ta và
mở ra cho ơn Mạc Khải của Người. Phao-lô đã nhắc nhở các tín hữu Cô-rin-tô, sau
thất bại bên cạnh các nhà hiền triết tại A-thê-na. Ở Cô-rin-tô, Phao-lô không
tự giới thiệu như một nhà hùng biện với những triết lý khôn ngoan đầy sức
thuyết phục nữa:
“Tôi nói, tôi
giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng
xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới
không dựa vào lời lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên
Chúa” (1 Cr 2, 4-5)
Nguồn:
kinhthanh.org .
[1] Trong Hy ngữ:
hypakos pisteou. Từ hypakos, trong các thư của thánh Phao-lô, do động từ
akouein, nghe, lắng nghe. Còn về từ “obéir” (vâng phục) của Pháp ngữ,
do từ la-tinh ob-audire, lắng nghe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét