Trang

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Thần Học Giải Phóng


Thần Học Giải Phóng
 Xin giới thiệu đôi nét về Thần học giải phóng.
    Bình Hòa
 
Nhiều người ở Việt Nam đã nghe nói đến "thần học giải phóng", nhưng có lẽ ít người biết đến lai lịch của nó và những phương pháp áp dụng trong công cuộc này. 
I. Lịch sử các khuynh hướng
   
Ở Việt Nam, tiếng "giải phóng" được gắn liền tới một phong trào chính trị giành độc lập tự do. Nhưng trong các tiếng Tây phương tiếng "libération" không chỉ giới hạn trong lãnh vực chính trị; nó cũng có nghĩa là "giải thoát", một tư tưởng căn bản của Ấn giáo và Phật giáo. Danh từ đó được dùng trong Tân Ước cũng theo nghĩa luân lý tôn giáo, tỉ như Gio-an 8,32:"sự thật sẽ giải thoát (hay giải phóng) các con". Nội dung chính của việc giải phóng là trả lại tự do cho người nào đó.

Có thể coi năm 1968, với Hội nghị lần II của các Giám Mục Mỹ Châu La-tinh họp tại Medellin, như là khởi điểm của Thần học giải phóng (THGP), tuy những mầm mống đã được gieo từ trước. Ngoài những phong trào cách mạng chính trị tại Cu-ba, Chi-lê vào đầu thập niên 60, một số học thuyết đã được quảng bá trong lòng quần chúng nhằm giải thích tình cảnh vô nhân đạo của lớp nghèo, tựa như thuyết "lệ thuộc" (teoria de la dependencia): sự kém mở mang tại thế giới thứ ba là sản phẩm của sự phát triển tư bản tại thế giới thứ nhất.

Về phía Giáo Hội, nhiều phong trào được thành lập, mạnh hơn cả là các "cộng đồng cơ bản", nhằm thúc đẩy các Ki-tô hữu dấn thân trong việc giúp đõ những người nghèo. Hội nghị các Giám Mục Mỹ Châu La-tinh họp tại Medellin, nhằm áp dụng Công đồng Va-ti-ca-nô II vào thực tại địa phương, đã ghi vào chương trình mục vụ những điểm sau: ưu tiên cho người nghèo; giải phóng toàn diện con người; phát triểc các cộng đồng cơ bản. Chính trong bối cảnh ảnh ấy mà thần học giải phóng ra đời, nhằm đề ra một đường hướng hoạt động cho Giáo Hội, dựa từ sự phân tích thực trạng của địa phương.

Trong số những người cha đẻ của THGP phải kể đến: Gustavo Gutierrez, Juan Luis Segundo, Hugo Assman, Segundo Galilea, Ruben Alves.

Vào thập niên 70, tình hình chính trị, xã hội và kinh tế ở Mỹ Châu La-tinh thay đổi sâu đậm: hầu hết các quốc gia đều do các quân nhân lãnh đạo, áp dụng chính sách đàn áp các phong trào cách mạng. Chính vì vậy mà cao trào giải phóng được phát triển mạnh trong các giới trí thức cũng như bình dân. Sự giải phóng không còn phải là khái niệm trừu tượng, nhưng cần phải được diễn tả ra hành động cụ thể.

Chính vào lúc mà THGP được phổ biến không những tại Mỹ Châu La-tinh, mà còn sang các lục địa, thời cũng là lúc bắt đầu những chỉ trích ngay từ giữa hàng Giám Mục địa phương, và rồi vấn đề được bàn cãi tại Thượng Hội đồng Giám Mục 1974, cũng như những lần can thiệp của Bộ Giáo Lý đức Tin. Những chỉ trích ấy đã giúp cho những  người sáng lập THGP cân nhắc lại chủ trương của họ, song cũng khiến cho một số tác giả khác trở thành cứng rắn hơn.

Từ đó nảy ra ít là bốn khuynh hướng trong THGP  

1) Khuynh hướng mục vụ  
Khuynh hướng này theo sát những văn kiện của Tòa thánh và hàng Giám Mục, nhấn mạnh đến sự "giải phóng toàn diện" con người, dựa trên Kinh Thánh. đường hướng mục vụ nhằm tới sự cải thiện con người, và không xử dụng đến những đường lối chính trị xã hội. Nhiều người coi Hồng Y Pironio, khi còn làm tổng thư ký của CELAM, như tiêu biểu của nhóm này. Nhưng họ bị các khuynh hướng sau đây đả kích là "thiêng liêng, trừu tượng".  
2) Khuynh hướng cách mạng (praxis de los grupos revolucionarios)  
Có lẽ đây là nhóm cực tả nhất trong THGP. Biết như vậy nên chính họ cũng không muốn coi mình là thần học. Họ dùng thuyết mác-xít để phân tích xã hội, tỉ như họ coi tất cả lịch sử của Châu Mỹ La-tinh là lịch sử của cuộc áp bức; tôn giáo bình dân là phó sản của sự vong thân (alienation) kinh tế. Tiêu biểu của nhóm này là Hugo Assman.
Bị chỉ trích là thần học chịu lệ thuộc quá nhiều bởi ý thức hệ, các tác giả của nhóm trả lời rằng việc xếp họ vào hàng thần học hay không là chuyện phụ; mối quan tâm của họ là làm cách mạng.  
3) Khuynh hướng hành động lịch sử (praxis historica)   
Khác với nhóm thứ nhất, chỉ giới hạn vào quan điểm "giải phóng toàn diện" vào kế hoạch mục vụ của Giáo Hội, nhóm thứ ba chủ trương cần đem ra thực hiện sự giải phóng kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa đến các phong trào, cộng đồng. Họ cũng dùng thuyết mác-xít để phân tích thực tại, nhưng cũng biết phê bình những khuyết điểm của nó.
Từ đó mà các người nghèo được coi là một giai cấp, đối lại với giai cấp tư sản; sự ưu tiên dành cho người nghèo được hiểu là lựa chọn một giai cấp; những xung khắc xã hội hay cả trong Giáo Hội cũng được giải thích theo quan niệm lệ thuộc và đấu tranh giai cấp.
Đối lại với nhóm thứ hai, họ nhìn nhận vai trò tích cực của tôn giáo bình dân trong tiến trình giải phóng. Dù sao phải nhận rằng khuynh hướng này tiêu biểu hơn hết cho THGP và chúng ta sẽ trở lại với phương pháp của họ sau khi điểm qua khuynh hướng thứ tư.  
4) Khuynh hướng nhân dân  
Theo họ, vai trò chủ động của thần học không phải là người nghèo như khuynh hướng thứ ba, nhưng là nhân dân Mỹ Châu La-tinh. Nói đến nhân dân tức là nói đến các nền văn hóa của họ, các tín ngưỡng của họ. Chính vì vậy, để tìm hiểu nhân dân, không thể chỉ dùng lối phân tích xã hội của mác-xít, nhưng còn phải xử dụng đến các môn học khác nữa, tựa như lịch sử, nhân chủng học. Ngoài ra, nhóm này còn để ý tới những biểu hiệu tôn giáo của người dân cũng như kiến thức bình dân vì cũng là những động lực có tiềm năng giải phóng. Tiêu biểu cho khuynh hướng này có thể kể: L. Gera, Juan Carlos Scannone.  
II. Phương pháp thần học
   
Tuy thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau, nhưng các tác giả, đặc biệt trong nhóm thứ ba và thứ bốn, áp dụng một số đường hướng chung trong công tác thần học:  

1) Một yêu sách căn bản của THGP là công cuộc giải phóng dân nghèo.
Khởi điểm của thần học là thực tại của dân nghèo: ai muốn làm thần học phải dấn thân với người nghèo, sống đức tin giữa lòng họ; rồi kế đó mới suy tư thần học. Công cuộc suy tư vận dụng những dụng cụ khác nhau để phân tích, giải thích và đánh giá thế giới của lớp dân nghèo: sự lệ thuộc kinh tế xã hội, sự lệ thuộc chính trị và văn hóa, đưa đến tình trạng bị tước đoạt những quyền lợi căn bản của con người, đến nỗi con người không còn được xử như là con người nữa.
Nhìn dưới ánh sáng của Phúc âm, thế giới của người nghèo, xét vì là hậu quả của sự lệ thuộc và bóc lột, phải bị coi là một tình trạng tội lỗi. Nó là sự thách đố cho Giáo Hội: Giáo Hội không những phải dấn thân để giải phóng những người bị bóc lột, nhưng còn phải cải tạo chính lối sống đạo bình dân vốn nghiêng về thụ động, cam chịu số phận. Việc suy tư thần học nhằm giúp người tín hữu có một hành trang trong việc thực hành sự giải phóng.  
2) Sự giải phóng tuy thường mang tính chất kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa; nhưng các tác giả dần dần cũng bao gồm cả sự giải phóng con người khỏi hết mọi hình thức nô lệ, tựa như tội lỗi.
Cách thức dấn thân vào công cuộc giải phóng đã nói được là đa dạng: có người nhấn mạnh đến việc tham gia các phong trào cách mạng; người thì đề cao việc liên đới với những nhóm, cộng đồng, ngõ hầu giúp cho họ trở nên những tác nhân xây dựng xã hội công bằng huynh đệ hơn.
Trên thực tế, khi đi vào cụ thể các tác giả chia thành nhiều khuynh hướng khi bàn về thể chế chính trị cần thực hiện (có người thì muốn thiết lập xã hội chủ nghĩa, nhưng không thiếu người chỉ trích những khuyết điểm của chủ nghĩa này).  
3) Một điều kiện quan trọng để có thể làm THGP là cần ý thức những suy tư của mình có thể chịu ảnh hưởng của một ý thức hệ, một não trạng: những nền thần học tại Âu Châu nảy sinh trong khung cảnh của thế giới tư sản, khác với thế giới và thực tại người nghèo tại Mỹ Châu La-tinh.

Chính vì vậy cần có cuộc cải hoán văn hóa, ngõ hầu gột rửa đức tin khỏi những lòi tói ấy. Mặt khác, khi phân tích thực trạng xã hội, nhà thần học không phải chỉ dùng đức tin, nhưng còn cần xử dụng những kiến thức từ các khoa học xã hội nữa: đây là một điểm khác biệt với thần học cổ truyền, thường chỉ xử dụng triết học, bởi vì chỉ nó chỉ nhắm tới việc tìm hiểu chân lý. Còn THGP còn nhắm tới việc thay đổi xã hội nữa.  

4) Trong viễn ảnh ấy, THGP không phải chỉ là một đề tài của thần học, nhưng là một phương pháp để làm thần học, một dự án thần học bao quát. Các đề tài thần học cổ truyền được viết lại dưới chiều hướng mới của sự giải phóng Ki-tô giáo. đức Ki-tô xuất hiện như nhà giải phóng, và sứ điệp của Ngài kèm theo những ảnh hưởng xã hội chính trị; đức Ma-ri-a là niềm hy vọng cho những người bị áp bức; Giáo Hội, gồm nên từ những cộng đồng cơ bản với những phần tử dấn thân phục vụ những người bị bắt bớ, bị bóc lột v.v...
THGP không chủ trương thay đổi nội dung của đức tin, nhưng là suy nghĩ lại những kho tàng đức tin cổ truyền (Thánh Kinh, Thánh Truyền) từ kinh nghiệm sống đức tin của con người Châu Mỹ La-tinh.
Tưởng cũng nên biết là Gustavo Gutierrez, người cha đẻ của THGP, trong những tác phẩm gần đây là nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chiêm niệm trong THGP: "contemplativus in actione politica": công cuộc thay đổi xã hội phải bắt nguồn từ động lực của đức ái, và thực hiện nhờ sức mạnh của đức tin, kết quả của cuộc gặp gỡ đức Ki-tô, đấng làm chủ lịch sử.  

Tưởng cũng nên nhắc lại là những phương pháp của THGP có âm hưởng không những qua các lục địa khác của Thế Giới Thứ Ba (Á Phi), nhưng cũng được áp dụng tại vài nước Âu Mỹ trong các phong trào giải phóng phụ nữ hay người da đen tại Hoa Kỳ.   

Tài liệu: Mario Midali, Teologia pastorale o pratica. Las Roma 1991, 2 ed. (cap.V: Teologia pastorale nel contesto della teologia latinoamericana della liberazione, p.367-429). Juan Carlos Scannone, Teolo-gia della libera-zione, in: "Problemi e prospettive di teologia dogmatica" (a cura di K.H. Neu-feld), Queriniana Brescia 1983, 393-424.

Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét