Trang

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI : CHƯƠNG 10




MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI : CHƯƠNG 10

HÃY LẮNG NGHE, HỠI ÍT-RA-EN


Hãy lắng nghe, và con sẽ được sống
Ta đã thấy rằng Lời Chúa là một mạc khải liên quan đến trải nghiệm về hành động giải thoát dành cho dân Người. Vị Thiên Chúa tự tỏ mình, trước hết là một Thiên Chúa giải thoát và cứu rỗi. Một sự giải phóng khỏi cảnh nô lệ, đã được ký kết qua trung gian Mô-sê, bằng một giao ước trên núi Si-nai: Đó là một số điều lệ có tính tôn giáo và luân lý, gồm tóm trong mười “Lời” (Devarim): Mười điều răn. Mười “điều răn” chủ yếu nói về tương quan giữa con người với Thiên Chúa, và với nhau.
 “Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây: “Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng (...). Ngươi hãy thờ cha kính mẹ (...). Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian hại người. Ngươi không được ham muốn nhà người ta” (Xh 20, 1-4, 12-17).
Đây chính là trọng tâm của Giao Ước. Rõ ràng tình yêu là cốt lõi trong mọi tương quan, là cột trụ của mọi điều răn. Một tình yêu kiến tạo và làm cho con người được sống. Đó không phải là những lệnh truyền độc đoán mà con người phải tuân thủ để làm hài lòng một Thiên Chúa cay nghiệt, nhưng là những điểm qui chiếu để hướng dẫn con người tự do, những mốc điểm trên đường đi của ta, mà bên ngoài những điểm mốc ấy ta có nguy cơ đi tới tự hủy diệt, đánh mất      căn tính “người” của mình, và kéo theo sự bất hạnh cho chính mình.
Mười điều răn này là lõi tuỷ của cái mà trải qua nhiều thế kỷ, đã trở thành Luật[1]. Và đối với mỗi thế hệ, nó vẫn luôn là ngày “hôm nay”, ngày mà Thiên Chúa ký kết giao ước tình yêu với con người.
 “Ông Mô-sê triệu tập toàn thể Ít-ra-en và nói với họ: "Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định mà hôm nay tôi nói cho anh em nghe; anh em phải học cho biết những điều ấy và lo đem ra thực hành. Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, đã lập một giao ước với chúng ta tại núi Khô-rếp. Ðức Chúa đã lập giao ước này không phải với cha ông chúng ta, mà là với chúng ta, những người hôm nay đang ở đây, tất cả còn đang sống(Đnl 5, 1-4).
Chính vì Thiên Chúa “ngỏ lời”, tự tỏ mình qua trung gian những người được linh hứng, nên không lạ gì mà     động từ ta thường gặp nhất trong Kinh Thánh là động từ “lắng nghe”[2].
 “Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định mà hôm nay tôi nói cho anh em nghe; anh em phải học cho biết những điều ấy và lo đem ra thực hành” (Đnl 5, 1).
Tôn giáo của dân Do-thái chủ yếu là tôn giáo của việc lắng nghe. Đối với con người của Thánh Kinh, “lắng nghe” không chỉ là hiểu biết bằng tri thức, một thông tin nào đó về Thiên Chúa, nhưng còn là một hành động lôi cuốn theo nó trọn thái độ sống của con người.
Lắng nghe = vâng phục = tiếp nhận Lời của Chúa để thực hành. Việc lắng nghe này bén rễ trong sự khởi xướng của một vị Thiên Chúa yêu thương con người, lập giao ước với con người và tỏ lộ cho con người dự án tình yêu phổ quát của mình. Làm sao có thể lắng nghe và tin tưởng vào một người nào đó, nếu ta không biết chắc rằng họ yêu thương và nhất thiết mong muốn mọi điều thiện hảo cho chúng ta? Nên không phải ngẫu nhiên mà trong các Sách Thánh, những động từ “lắng nghe” “yêu thương” luôn liên hệ mật thiết với nhau.
 “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng.
Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu,phải viết lên khung cửa nhà anh (em), và lên cửa thành của anh (em)” (Đnl 6, 4-9).
Đây là lời tuyên xưng “đức tin độc thần” mà mọi người Do-thái phải đọc – như Thầy Giê-su đã từng đọc – mỗi ngày ba lần. Trong khi đọc kinh, họ đeo những lời này vào cổ tay, buộc trên trán. Họ còn khắc ghi những lời này trên cửa nhà, cửa thành, như các cửa vào thành Giê-ru-sa-lem.
Lắng nghe hay vâng phục, theo nghĩa Kinh Thánh không hề gợi ý tưởng bị cưỡng ép, phục tùng cách mù quáng, nhưng là một sự gắn kết của con tim, một hành động tin-yêu.
Từ Torah, mà ta thường dịch là Luật, không chỉ đơn giản là “lề luật” của con người nhằm bảo vệ công ích. Nguồn gốc của nó theo tiếng Do-thái có nghĩa là chỉ bảo đường đi. Torah chỉ dẫn hướng đi, con đường do Thiên Chúa mạc khải để dẫn đưa con người tới Sự Sống. Đó là một “đạo luật sống còn”, một nguồn sống và hạnh phúc, một con đường linh động: “Hãy bước đi trong đường lối của Ta !” (Lv 18, 3).
Vâng-phục-lắng-nghe đúng là một vấn đề sống hay chết, nô lệ hay tự do, bất hạnh hay diễm phúc, vì Thiên Chúa muốn hiến ban cho con người sự sống và hạnh phúc, chứ không muốn gây phiền toái cho cuộc sống của con người, bằng những cấm đoán hay cản trở.
Trong sách Đệ Nhị Luật ta có một đoạn văn diễn tả ý tưởng này cách rõ ràng và tiêu biểu nhất :
 “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh (em) hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh (em). Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Thật vậy, lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành. Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ. Hôm nay tôi truyền cho anh (em) phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh (em) được sống, được thêm đông đúc, và Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), chúc phúc cho anh (em) trong miền đất anh (em) sắp vào chiếm hữu. Nhưng nếu anh (em) trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì hôm nay tôi báo cho anh (em) biết: chắc chắn anh (em) sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh (em) sắp sang qua sông Gio-đan để vào chiếm hữu. Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội anh (em): tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn sống để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống, nghĩa là hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh (em) sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất Ðức Chúa đã thề với cha ông anh (em), là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, rằng Người sẽ ban cho các ngài” (Đnl 30,11-20).    
  Ta nên lưu ý cách dùng những động từ chủ yếu này, chúng bổ túc lẫn cho nhau và định nghĩa cách chính xác sự huyền nhiệm của sự lắng nghe và vâng phục trong Kinh Thánh:
- lắng nghe = vâng phục = yêu thương = bước đi = gìn giữ = sống;
- nghe theo = chúc lành = sự sống = diễm phúc;
- không nghe = chúc dữ = chết.
Một xúc tiến của con người tự do
Thiên Chúa không áp đặt. Người đề nghị. Người ước mong hạnh phúc cho con người và chỉ cho họ một con đường dẫn đến sự sống và hạnh phúc. Việc lắng nghe, theo Kinh Thánh, đồng nghĩa với niềm tin của con người tín thác nơi Thiên Chúa, tin chắc rằng Người, là Đấng Tạo Hoá, biết rõ những gì có thể xây dựng hay hủy diệt con người. Đây không phải là một sự phục tùng của kẻ nô lệ, mà là một xúc tiến của con người tự do, bám rễ sâu trong tình yêu của vị Thiên Chúa Tạo Hoá. Đức Ki-tô nhập thể nêu gương cho tất cả chúng ta, bằng một thái độ của con người hoàn toàn tự do và vâng phục cách tuyệt đối.
Đàng khác, con người, theo Thánh Kinh, đã biết sống cách trung thực sự tuân phục này, lắng nghe và thực hành Lời Chúa là đã trải nghiệm sự phong phú của Lời rồi. Họ khám phá ra rằng chính sự vâng phục trong tin yêu làm cho họ được tự do, hạnh phúc, và đồng thời đem lại cho họ bình an và niềm vui nội tâm. Từ kinh nghiệm này họ biết chắc rằng Lề Luật không phải là một sắc lệnh độc đoán mà Thiên Chúa muốn hạ thấp con người, nhưng là một Lời giải phóng. Con người chỉ có thể “vâng phục” cách tự do mà không tự tha hoá, nhờ sức mạnh của tình yêu giúp nó kiện toàn lề luật. Ta cũng nên nhớ rằng quan niệm về Thiên Chúa luôn có một ảnh hưởng quyết định trên thái độ lắng-nghe-vâng-phục của chúng ta.
Tác giả Thánh Vịnh đã không có đủ từ để diễn tả lòng ngưỡng mộ và ca ngợi mọi điều tốt đẹp của Lề Luật, ân ban của Chúa, cách thể hiện tình yêu của Người, mời gọi ta đến với hạnh phúc. Ta chỉ cần đọc lại Thánh Vịnh 19 :
“Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,
thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất”
                                                                    
(Tv 19, 8-11)
Như thế, Lề Luật ở đây không có gì là gò bó, tha hóa, hay làm ta ngột ngạt cả ! Chúng ta cũng nên thường xuyên đọc lại Thánh Vịnh 119 (118), tuy hơi dài, nhưng lại là một bản tình ca tuyệt vời về việc lắng nghe Lời Chúa. Vì vâng-nghe Lời Chúa chính là hạnh phúc của con người!
“Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,
hết lòng hết dạ kiếm tìm Người.
Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài,
xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.
Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ,
để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung.
Vâng-nghe Lời Chúa là ân ban của Chúa, một đường lối dẫn đưa con người đến với chân lý…
Lắng nghe bằng cả con tim
Nhưng nếu Thiên Chúa, Đấng khởi xướng nên giao ước này, thì Lời Người đã được mạc khải, vẫn chờ đợi một câu đáp, với tất cả sự tự do của con người, một thụ tạo mà Thiên Chúa muốn họ cộng tác với Người để thể hiện kế hoạch yêu thương của Người.
Vậy lắng nghe Lời Chúa không phải là nghe như khi ta nghe ngóng những thông tin trên các đài truyền thanh hay truyền hình. Mà là một thái độ nghe để định hướng cho cả cuộc đời của mình. Điều này cho ta thấy đối với con người của Thánh Kinh, “con tim”, nơi thâm sâu nhất của con người, chính là chỗ ưu tiên để chúng ta đón nhận, nghiền ngẫm Lời sự Sống của Chúa rồi đem ra thực hành. Lề Luật, Lời Chúa, không chỉ đơn giản là một điều luật bên ngoài, nhưng là một kỷ cương sống, đã được khắc ghi trong tâm can con người: “Anh em hãy ý tứ kẻo lòng anh em bị quyến rũ mà bỏ đi phụng thờ những thần khác và sụp xuống lạy chúng” (Đnl 11, 16).
Thế nhưng con người hoàn toàn tự do để bước đi trên con đường sự sống của Lời Chúa đã được mạc khải và ban tặng, hay chọn đi vào một con đường khác. Bởi kiêu căng hay kém hiểu biết, xu hướng tự nhiên của con người thường muốn một mình, tự tạo lấy cuộc đời mình. Như đã mô tả trong sách Sáng Thế, qua trình thuật về A-đam và E-và, vẫn bị cám dỗ “ăn trái cây biết-thiện-ác”, tự tạo cho mình những giá trị riêng.
Con người tưởng có thể qua mặt Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống, có thể chiếm chỗ Thiên Chúa, tự tôn mình làm trung tâm tuyệt đối. Nó không hiểu rằng Thiên Chúa không phải là một đối thủ cho sự tự do của nó, nhưng Người là sức mạnh của tình yêu để kiến tạo, cấu trúc và kiện toàn nó; chỉ duy có tình yêu Thiên Chúa mới làm cho nó trở thành con người, trở nên thiêng thánh.
Đây chính là sự cao cả và cũng là thảm hoạ của sự tự do của con người. Là thảm hoạ của tội lỗi, đã bắt nguồn từ mỗi người chúng ta. Tội lỗi, theo các tác giả Thánh Kinh, chủ yếu là khước từ vâng-nghe Lời-Luật của Thiên Chúa: “Nghe thấy tiếng Ðức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Ðức Chúa là Thiên Chúa. Ðức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: "Ngươi ở đâu?” (St 3, 8-9).
Sứ điệp hoán cải của các ngôn sứ
Các ngôn sứ đã không ngừng đọc và diễn giải Lề Luật. Đối với họ, nghe Lời Chúa, không phải là tuân hành các cách thức phụng tự, như dâng của lễ một cách máy móc theo luật định, nhưng là đi vào một tương quan tình yêu với Thiên Chúa. Phải thực thi Lời vì yêu Lời, vì Lời là suối nguồn của sự sống hạnh phúc: “Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, nào Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), có đòi hỏi anh (em) điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính sợ Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh của Ðức Chúa và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh (em) hôm nay, để anh (em) được hạnh phúc?” (Đnl 10, 12-13).
Được sinh động bởi những đòi hỏi của kế hoạch tình yêu Thiên Chúa, các ngôn sứ thường mời gọi anh em mình “từ bỏ” con đường của các thần tượng, dẫn đến một ngõ cụt, để “quay trở về” với Thiên Chúa.
Chính các ngôn sứ đã đưa vào cuộc sống của dân Chúa khái niệm về sự hoán cải, sự trở lại. Từ shub của tiếng Do-thái diễn tả cách chính xác hơn sự “trở lại, trở về” với Thiên Chúa. Ngoài xã hội, nó có nghĩa là “thay đổi đường đi, quay trở lại, đi ngược trở lại khi đã đi sai đường”. Trong tôn giáo, nó có nghĩa là “trở về với Thiên Chúa Giao Ước”. Hoán cải luôn luôn là “Nghe Lời Người”:
“Nào chúng ta hãy trở về cùng Ðức Chúa (...) và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người (...). Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai (...). Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6, 1-6).
Nếu sự “trở lại” không phải là một sự trở lại của con tim, nếu nó không được linh hứng bởi tình yêu, bởi một sự hiểu biết thân tình với Thiên Chúa, thì nó sẽ mãi mãi ở bên ngoài và không mang lại kết quả lâu bền.
Đó là lời kêu gọi mà các ngôn sứ đã không ngừng làm vang vọng lên, xuyên suốt chiều dài của lịch sử Mạc Khải. Ngay từ thế kỷ thứ 8, A-mốt và Hô-sê đã nhấn mạnh rằng “hoán cải” là việc liên quan đến mọi người. Việc “trở lại” chẳng bao giờ là một xúc tiến thuần tuý “riêng tư”, thuần tuý “thiêng liêng”. Việc hoán cải đã được xem như một bước xúc tiến bao hàm mọi chiều kích của con người (kể cả chiều kích xã hội và cộng đoàn).
“Tìm kiếm Thiên Chúa…tìm kiếm sự tốt lành… tìm kiếm sự công chính”, tất cả những kiểu nói này đều chỉ muốn diễn tả việc hoán cải. Nó không nhằm làm nguôi cơn giận của vị Thiên Chúa khó tính, nhưng là để từ bỏ sự dữ, bất công, để “quay trở về”, để “trở lại” với những yêu sách liên quan đến những lời hứa của Thiên Chúa Giao Ước. Và bước tiến này không thể được linh hoạt bởi sự sợ hãi, nhưng bởi tình yêu.
Với ngôn sứ I-sai-a, tội lỗi, càng ngày càng được mô tả như một thái độ đi đến với ngẫu tượng của con người để tự xưng chúa, thay vì “quay trở lại” với Đấng là nguồn suối, là tương lai của mình: “Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn (...). Khốn thay dân tộc phạm tội, dân chồng chất lỗi lầm, giống nòi gian ác, lũ con hư hỏng!” (Is 1, 2-4). Và nếu “con tim” loài người đã không hướng về Thiên Chúa Tạo Hoá, thì mọi tương quan của con người cũng ra “hư hỏng”, sự công chính cũng bị nhạo báng và việc phụng tự Thiên Chúa cũng chỉ còn là một sân khấu hài, mà Thiên Chúa khước từ.
“Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa (...). Ta không chịu nổi ngày đại hội, lễ lạt linh đình (...). Các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe (...). Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Ðừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1, 11-17).
“Vì Chúa Thượng là Ðức Chúa, là Ðức Thánh của Ít-ra-en, phán thế này: Giả như các ngươi trở lại và ở yên, hẳn các ngươi đã được cứu thoát; giả như các ngươi bình tĩnh và tin tưởng, ắt các ngươi đã nên hùng mạnh; thế nhưng các ngươi đã không muốn!” (Is 30, 15).
“Hãy tìm Ðức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Ðức Chúa - và Người sẽ xót thương -, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ. Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của Ðức Chúa. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55, 6-9).
Giê-rê-mi-a chắc chắn là vị ngôn sứ đã triển khai đề tài “hoán cải” nhiều nhất. Ông đã sống những ngày tháng của thời lưu đầy. Chính vì thế mà lời kêu gọi “trở về” đã trải dài trong tập sách sấm ngôn của ông. Dân Chúa phải nhận biết rằng họ đã đi lạc đường:
“Chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước” (Gr 2,13).
“Trở về đi, hỡi Ít-ra-en phản bội (...) vì Ta giàu lòng xót thương. Có điều là tội ngươi, ngươi phải biết: ngươi đã xúc phạm đến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, khi lang bạt khắp các nẻo đường tìm kiếm ngoại kiều dưới mọi lùm cây rậm; còn tiếng Ta gọi, các ngươi chẳng thèm nghe” (Gr 3, 12-13).
“Tất cả những người Giu-đa qua cửa này vào thờ phượng Ðức Chúa, hãy nghe lời Ðức Chúa (...). Ðừng ỷ vào lời giả dối sau đây: "Ðền Thờ của Ðức Chúa! Ðền Thờ của Ðức Chúa! Ðã có Ðền Thờ của Ðức Chúa!"
Nếu các ngươi thật sự cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, nếu các ngươi thật sự đối xử công bình với nhau, không ức hiếp ngoại kiều hay cô nhi quả phụ, nếu các ngươi không đổ máu người vô tội nơi đây, không đi theo các thần ngoại mà chuốc hoạ vào thân, thì Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này, trong phần đất Ta đã ban cho cha ông các ngươi đến muôn đời” (Gr 7, 1-11).
Con người khó có thể lắng nghe
Nếu trọn bộ Sách Thánh là một khoá thực tập cho việc vâng-nghe của lòng tin, thì nó cũng là nơi mà con người đã làm một kinh nghiệm đau buồn rằng nó khó có thể đem Lời Chúa ra thực hành. Đó cũng là thảm hoạ mà thánh Phao-lô vẫn thường kể trong các Thư Mục Vụ, khi nói rằng Lề Luật như một nhà mô phạm, đã cho phép ta đem ra ánh sáng sự bất lực của con người trước việc thi hành Luật.
Con người không còn biết lắng nghe, vâng phục, vì họ không còn biết yêu thương nữa. Để tiến vào sự linh động của tình yêu, điều duy nhất có thể giải phóng con người, cần một cuộc trở lại triệt để của con tim. Đứng trước sự cứng lòng của con người, Giê-rê-mi-a đã phải tự hỏi liệu con người có đủ khả năng làm một cuộc hoán cải như thế không: “Nhưng chúng sẽ nói: "Vô ích! Chúng tôi sẽ theo ý định của chúng tôi, và mỗi người cứ cố chấp theo lòng dạ xấu xa của mình” (Gr 18, 12).
Nhưng mặc dù điều ghi nhận trên hơi tiêu cực, vẫn còn một tia hy vọng. Một ngày nào đó, khi dân Chúa cảm thấy xấu hổ về những kinh nghiệm bất hạnh của mình, họ sẽ phải nài xin Chúa cho ơn hoán cải của tâm hồn :
 “Xin đưa con trở về, và con sẽ trở về, vì Người là Ðức Chúa, Thiên Chúa của con! Vì sau khi phạm tội, con hối tiếc ăn năn” (Gr 31, 18-19).
Và rồi, trước tiếng kêu xin của con người, biết rằng họ không thể “lắng nghe” bằng con tim của họ, Thiên Chúa đã đáp lời bằng một lời hứa, là tái lập một Giao Ước Mới với con người, Người ghi khắc vào tận tâm can họ.
 “Ta sẽ ban cho chúng một tâm hồn để nhận biết rằng chính Ta là Ðức Chúa. Chúng sẽ là dân của Ta, còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng; bởi vì chúng sẽ hết lòng trở về với Ta” (Gr 24, 7).
 “Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của Ðức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31, 33-34).
Đó là điều mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en, vị ngôn sứ của thời lưu đầy, của niềm hy vọng, sẽ phải minh định càng ngày càng rõ nét: “Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới. Hỡi nhà Ít-ra-en, tại sao các ngươi lại muốn chết? Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết. Vậy hãy trở lại và hãy sống” (Ed 18, 31-32).
Hơn ai hết, Ê-dê-ki-en đặc biệt nhấn mạnh chiều kích cá nhân của việc hoán cải này. Mỗi người chịu trách nhiệm về cách ăn ở, với hậu quả của mọi hành vi của mình. “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết mà không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?(...). Vì thế, Ta sẽ xét xử các ngươi: ai nấy theo đường lối của mình - sấm ngôn của Ðức Chúa là Chúa Thượng. Hãy trở lại, hãy từ bỏ mọi tội của các ngươi” (Ed 18, 23-30).
 “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại. Sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Ít-ra-en?” (Ed 33, 10-11).
Vì thế, lịch sử Kinh Thánh được kết thúc bằng một nhận định tuy sáng suốt, nhưng đau buồn này, là việc hoán cải không nằm trong tầm tay của con người cứng đầu cứng cổ, với con tim chai đá. Chỉ có “Ơn Thánh Chúa” mới có thể tạo cho con người một “quả tim mới” và một “tinh thần mới”. Đó chính là một cuộc tạo dựng mới.
 “Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.
Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ed 36, 25-28).
Thiên Chúa chủ động khởi xướng trong việc hoán cải cũng như tha thứ. Sau thời kỳ lưu đầy, khái niệm về sự “hoán cải” mang chiều kích phổ quát. Sách Giô-na minh chứng qua các giáo huấn của ngôn sứ trực tiếp nhắn gửi đến các dân “ngoại”, để họ hoán cải trở về và được sống”.
 “Hãy trở về với Ta”, “Hãy đổi đường đi”, “Hãy hoán cải”, những ngôn từ và những bước xúc tiến đặc thù này trong giáo huấn của các ngôn sứ, đã được dịch sang bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp bằng động từ metanoia (cải hồi).
Đây là một sự trở lại của nội tâm. Gồm trọn vẹn bản thể (tinh thần và con tim) của con người, nó phải triệt để thay đổi hướng đi. Tiếng La-tinh dịch metanoia bằng conversio, hay penitentia. Sang tiếng Pháp là “pénitence” (sám hối), hay “repentir” (hối cải). Rất tiếc là những từ này chưa diễn tả đủ tất cả sự phong phú và sâu sắc của từ metanoia trong Kinh Thánh, nhất là ý tưởng về một sự trở lại triệt để, trọn vẹn của tất cả con người của chúng ta.
Và đây cũng chính là sứ vụ của Thầy Giê-su, Thầy đến để giải thoát chúng ta khỏi một sự tha hoá tận gốc rễ của con tim, của tội lỗi con người, để làm cho con người có khả năng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, để con người thực sự biết vâng theo khát vọng yêu thương của Thiên Chúa.

Nguồn: kinhthanh.org


[1]           1. Torah luôn ở số nhiều có nghĩa “những lời” (devarim).
[2]   2. Trong tiếp Híp-ri “shama”, cũng có nghĩa “vâng phục” và “đem ra thực hành”. Đối với người Sémite, vâng phục chính là lắng nghe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét