Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

7. CON BÊ BẰNG VÀNG , TỘI CHỐNG LẠI THIÊN CHÚA




7.  CON BÊ BẰNG VÀNG , TỘI CHỐNG LẠI THIÊN CHÚA



Một góc nhìn khác đối với của cải

Sau những gương mặt đáng kính của ba vị đại Tổ phụ, mà nơi các ngài, chúng ta đã có thể học được những điều bổ ích liên quan đến chủ đề sử dụng của cải vật chất. Trong Thánh Kinh, của cải vật chất vốn không phải là một chủ đề cấm kỵ, như ta đã thấy, nhưng bên cạnh đó cũng cần lưu ý đến sự cảnh giác rất quan trọng về các mối nguy do chúng có thể mang lại. Thiết tưởng, đã tới lúc phải nói về những nguy hiểm này.

Một mặt, để tránh dừng lại quá lâu nơi quyển sách thứ nhất của bộ Thánh Kinh và với ý muốn tiến xa hơn trong cuộc  hành trình  của chúng ta dọc theo bộ sách Mạc Khải này, vì còn không ít điều cần phải nói, người viết xin được để qua một bên một nhân vật thú vị khác, ông Giu-se, con trai áp út của Tổ phụ Gia-cóp. Lý do không phải vì độ dài của những trang viết, mà là do tính cách phức tạp của vấn đề liên quan đến nhân vật này. Vì, thật vậy, nó có thể đưa đến những tranh luận, điều này không phải là không bổ ích, nhưng đó không phải là mục đích của chuổi suy tư này, có lẽ sẽ có dịp bàn đến ở một nơi khác.

Vậy, trong bài này, ta sẽ bước vào sách Xuất Hành, quyển sách thứ hai của bộ Thánh Kinh, và cũng là quyển thứ hai trong bộ Luật Mô-sê (tiếng do thái gọi là Tora, bộ sách quan trọng nhất của Do Thái giáo : sách Sáng thế, sách Xuất hành, sách Lê-vi, sách Dân số và sách Ðệ nhị luật).

Xuất Hành, sự kiện nền tảng

Sự kiện Xuất Hành khỏi Ai-cập là một mắt xích vô cùng quan trọng trong lịch sử Dân Ít-ra-en (xin xem Xh 12,14.27.41-42). Nó được Mô-sê - hoặc những nhà làm luật khác nhân danh ông - sử dụng như là một điểm qui chiếu nền tảng cho luật lệ Do Thái giáo (Xh 20,1 ; 23,15 ; 34,18 ; Ðnl 5,6 ; v.v.) ; và các ngôn sứ cũng nhắc lại nhiều lần để khiển trách hoặc nhắc nhỡ Dân ăn năn hối cải quay về với Thiên Chúa (xin xem Hs 11,1 ; 12,10 ; Am 2,10 ; 3,1 ; Mk 6,4 ; v.v.).

Cuộc Xuất Hành này được kể trong toàn bộ quyển sách thứ hai, gồm 40 chương. Sách bắt đầu với sự phát triển của Dân bên đất Ai-cập, rồi việc họ trở thành nô lệ cho người Ai-cập, kế đến là cuộc giải thoát diệu kỳ và vĩ đại của Thiên Chúa, sau đó là cuộc hành trình 40 năm dài của họ trong sa mạc, và sách kết thúc với việc hoàn tất công trình Lều Tạm để thờ kính Gia-vê, theo lệnh của Người. Nói cách khác, Xuất Hành là một sự kiện thuần tôn giáo, mạc khải về kỳ công siêu việt của Ðức Chúa đã làm cho Dân Ít-ra-en, theo niềm tin của họ.

Tuy nhiên, ngay trong chính sự kiện quan trọng đó, ta cũng tìm thấy một chi tiết dù rất nhỏ nhưng có lẽ không ít quan trọng, liên quan đến một trọng tội chống lại Thiên Chúa có dính líu tới vàng bạc : chuyện  con bê bằng vàng .

Ðể thấy được hết cái hay của vấn đề, và đọc được mối liên hệ của trọng tội này với việc sử dụng của cải vật chất, ta cần phải theo dõi câu chuyện cho đến tận ngọn ngành của nó. Vâng, phải bắt đầu từ đất Ai-cập.

Dân lâm cảnh khổ, Chúa phái Mô-sê

Sách Xuất hành, ở những dòng đầu, kể cho ta rằng :  Con cái Ít-ra-en sinh sôi nảy nở, nên đông đúc và ngày càng hùng mạnh : họ lan tràn khắp xứ (Xh 1,7). Ðiều này đã làm cho một vị tân hoàng đế Ai-cập thời đó e ngại và đó là một lý do khiến ông ta ra lệnh biến dân này làm nô lệ cho người Ai-cập để xây dựng những công trình và thành quách cho Pha-ra-ô (Xh 1,8-14). Tiếp đến là một lệnh truyền giết tất cả các nam nhi sơ sinh của người Híp-ri ngay từ lúc vừa lọt lòng mẹ (Xh 1,15-22), tính cách lịch sử của lệnh truyền này rất yếu vì dường như chỉ có Thánh Kinh ghi lại mà thôi.

Trong bối cảnh đó, Mô-sê khóc chào đời, đã được một vị Công chúa Ai-cập nhận làm con nuôi , được nuôi dưỡng và dạy dỗ trong triều đình Ai-cập ; sau vài năm được chính bà mẹ ruột chăm sóc như một người vú nuôi (xin xem Xh 2,1-10). Chính ông sẽ là người được Thiên Chúa chọn để thực hiện công cuộc giải thoát Dân và dẫn dắt họ trong suốt 40 năm trời trong sa mạc theo lệnh của Thiên Chúa (về câu chuyện rất dài này, xin xem Xh 3tt).

Trong trình thuật về cuộc giải thoát Dân khỏi ách nộ lệ cho người Ai-cập, đã có một cuộc  tỉ thí  giữa quyền năng của Thiên Chúa, thực hiện bởi ông Mô-sê, và các thầy phù thủy Ai-cập về các dấu lạ như gậy biến thành rắn và nuớc biến thành máu (Xh 7,8-25) ; sau đó là các đại nạn như ếch nhái lan tràn, muỗi mòng, ruồi nhặng, ôn dịch, ung nhọt, mưa đá và cảnh tối tăm (Xh 7,26 - 10,29) ; sau cùng, là một tai ương khủng khiếp giáng xuống dân Ai-cập : các con đầu lòng của họ phải chết (xin xem Xh 11,1-10 ; 12,29-34). Với 10 tai ương đó, Pha-ra-ô đã phải để cho Dân Ít-ra-en ra đi.

Không ra đi tay trắng

Trong câu chuyện dài này, một chi tiết thú vị đối với chủ đề của chúng ta : Ðức Chúa phán bảo ông Mô-sê rằng  hãy nói cho dân nghe : Ðàn ông thì hỏi anh hàng xóm, đàn bà thì hỏi chị láng giềng, lấy những đồ bạc và đồ vàng (Xh 11,2) và rồi  Con cái Ít-ra-en đã làm theo lời ông Mô-sê ; họ đã xin người Ai-cập những đồ bạc, đồ vàng và áo xống. Ðức Chúa cho dân được cảm tình của người Ai-cập, họ làm như lời dân Ít-ra-en xin, và dân đã tước đoạt của người Ai-cập  (Xh 12,35-36). Thật đáng ngạc nhiên, và ta sẽ phải tự hỏi rằng tại sao một chi tiết như thế lại được nhắc đến trong trình thuật này. Một mạc khải quan trọng về niềm tin vào Thiên Chúa Quyền Năng Tuyệt Ðối lại được các soạn giả Sách Thánh chen vào một mệnh lệnh rất  tầm thường  như vậy trong chính miệng Thiên Chúa, phải hiểu làm sao đây ?

Ta có thể hiểu theo ba lý do sau đây. Trước hết, sự giàu có vật chất luôn được gắn chặt với chúc lành của Thiên Chúa : đó như là một dấu chỉ rằng Thiên Chúa đồng hành với những ai người muốn chúc lành, như ta đã có dịp thấy nơi các bài trước. Thứ đến, dường như của cải vật chật là một chủ đề gắn chặt với cuộc sống cụ thể và hàng ngày của con người, đến nỗi các soạn giả Sách Thánh, vô tình hay hữu ý, không thể bỏ quên nó cho dù là trong một trình thuật thánh như cuộc Xuất Hành. Và lý do sau cùng sẽ cho thấy một điều lý thú, khi ta nhận ra chi tiết này, được đặt ở đây, có liên hệ đáng kể với chủ đề của bài này : chuyện  con bê bằng vàng , một tội phạm chống lại Thiên Chúa.

Vâng, với vụ  tước đoạt  của cải người Ai-cập đó, Dân đã chiếm hữu một số lượng vàng bạc đáng kể. Chỉ với một đôi con số theo  bảng kết toán công trình xây dựng Lều Tạm, vào cuối sách Xuất hành, ta có thể hình dung ra sự  giàu có  của họ : vàng : 870 Kg và 220 lượng ; bạc : 3000 Kg và 530 lượng ( Xh 38,21-31).

Trở lại thời điểm xuất hành khỏi Ai-cập, ngay sau biến cố các con đầu lòng của người Ai-cập bị chết, ta còn nghe Sách Thánh kể rằng :  Ðang đêm nhà vua triệu ông Mô-sê và ông A-ha-ron đến và bảo : Cả các ngươi lẫn con cái Ít-ra-en, đứng lên, đi ra, không được ở giữa dân ta nữa ! Ði mà thờ phượng ÐỨC CHÚA như các ngươi đã nói ! Cả chiên cừu, bò bê của các ngươi, cũng hãy đem đi như các ngươi đã nói. Ði đi và cầu phúc cho ta nữa(Xh 12,31-32 ; để hiểu rõ tại sao Pha-ra-ô lại nói như vậy, xin xem thêm Xh 10,24-26).

Quả vậy, con cái Ít-ra-en rời khỏi Ai-cập với sự  giàu có về vàng bạc và gia súc. Nhưng đó không phải là một cuộc cướp bóc của người Ai-cập ; trái lại, có lẽ nên hiểu rằng đó chính là công lao của hàng trăm năm làm nô lệ cho người Ai-cập, đó là phần công sức của họ đáng được hưởng. Ỏ đây, có một sự tương đồng nào đó với trường hợp giữa Gia-cóp và La-ban mà ta đã nói trong bài trước. Vì, thật vậy, có lẽ không phải vô tình ( và chắc là còn nhiều ý nghĩa khác nữa) mà sách Xuất hành, trong khi kể về cuộc nhổ trại lên đường của Dân khi được lệnh rời đất Ai-cập, đã thêm một chi tiết nhỏ: Thời gian con cái Ít-ra-en ở Ai-cập là bốn trăm ba mươi năm (Xh 12,40).

Giữa sa mạc, nhưng không thiếu của ăn

Với cuộc hành trình dài 40 năm trong vùng sa mạc, số lương thực thực phẩm họ mang theo được sẽ chẳng đáng là bao, và cũng chẳng bao lâu sẽ cạn kiệt. Và, một ngày kia, họ đã chẳng còn gì để có thể làm nguôi cơn đói, cho dù trong tay họ có khá nhiều vàng bạc. Họ đã kêu trách ông Mô-sê, kêu trách Thiên Chúa (xin xem Xh 16,2-3). Rồi Thiên Chúa đã ban cho họ lương thực : man-na, có lẽ là một thứ tiết chất của các loài côn trùng nơi các bụi cây mà dân du mục trong vùng đã biết dùng làm thực phẩm (mùa của nó khoảng tháng 5 - 6 hàng năm, trong vùng sa mạc Xi-nai) ; và chim cút, có lẽ là các con kiệt sức nơi các loài chim di trú rơi xuống khi ngang qua vùng hoang mạc này (xin xem Xh 16, 4-34).

Chương thứ 16 của sách kết thúc :  Con cái Ít-ra-en đã ăn man-na suốt bốn mươi năm, cho đến khi họ tới đất định cư ; họ đã ăn man-na cho đến khi tới ranh giới đất Ca-na-an  (Xh 16,35). Ta có thể nói, họ đã có được một sự bảo đảm về lương thực, họ không còn phải lo lắng về việc này, trong chuổi ngày hành trình trong sa mạc. Và, vì thế, dường như họ đã nghĩ rằng họ  giàu có  với của cải vàng bạc họ có trong tay. Ðó, có lẽ, là một trong những lý do khiến họ phạm lỗi lầm nghiêm trọng qua vụ  con bê bằng vàng .

Vàng dư bạc thừa, lại dùng không phải

Khi họ đến núi Xi-nai, một mình ông Mô-sê đã leo lên ngọn núi rực lửa, theo lệnh của Thiên Chúa, để nhận lãnh hai tấm Bia Ðá có khắc ghi Lề Luật,  Mười điều răn  (Xh 24,12-18 ; 31,18). Về phần Dân, vì đợi lâu quá mà không thấy ông Mô-sê trở xuống, và nghĩ rằng ông đã bị chết thiêu trên đó, nên họ đã đề nghị với ông A-ha-ron :  Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Mô-sê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai-cập  (Xh 32,1). Với vàng bạc họ tự nguyện đóng góp, ông A-ha-ron đã đúc thành một con bê bằng vàng cho họ (xin xem Xh 32,2-4a). Rồi họ đã thờ lạy và dâng lễ kính Gia-vê qua ngẫu tượng con bê đó. Họ tự nói rằng :  Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập  (Xh 32,4b ; xin xem 32,5-6).

Vâng, họ cần có một vị thần để tôn thờ, một vị thần có  hình hài rõ ràng  theo như tưởng tượng của họ, hình một con bê - vốn là một trong những biểu tượng thần thiêng của các dân tộc sống định cư ở Ðông Phương (xin xem thêm 1V 12,28) -, và là một con bê bằng vàng - vàng, một kim loại quí, theo cách nhìn của người đời, có giá trị cao và là biểu tượng của sự giàu có vật chất, ai sở hữu nhiều vàng sẽ dễ dàng có nhiều quyền lực trong tay. Việc đúc tuợng thờ như vậy là điều mà Thiên Chúa đã cấm họ (xin xem Xh 20,1-6). Vì Người là Thiên Chúa vô hình và đầy quyền năng, là ÐỨC CHÚA - GIA-VÊ -, tên của Người gắn liền với việc Người thực hiện qua công trình cứu độ.

Chính vì vậy mà ông Mô-sê đã nỗi giận đến mức đập vỡ hai tấm Bia Lề Luật do chính Thiên Chúa ban cho, khi ông từ trên núi xuống và nhìn thấy điều sai trái họ đang làm (xin xem Xh 32,15-19). Ông đã lấy con bê vàng họ đúc ra  đốt đi, tán nhuyễn ra, rắc lên mặt nước, rồi bắt con cái Ít-ra-en uống(Xh 32,20). Thái độ giận dữ và cách làm này của ông Mô-sê, theo một số nhà chuyên môn, muốn nói rằng : hành động thờ con bê bằng vàng của họ sẽ là sự kết án gắn chặt với xương thịt của họ. Qua sự lạm dụng và sử dụng của cải sai mục đích như vậy, họ không chỉ đã bị mất vàng bạc cho một điều chẳng ích lợi chút nào, vì nó chẳng thể cứu được họ ; mà hơn nữa, một khi họ đã phải uống thứ nước có chứa bột vàng đó, thì chẳng mấy chốc, nó chỉ có thể trở thành một thứ chất thải của cơ thể họ mà thôi. Giá trị của vàng bạc và hình tượng con bê mà họ muốn tôn thờ, thay vào chỗ của Thiên Chúa, hoá ra chỉ đáng có thế. Nó hoàn toàn mất hết giá trị khi đối diện với Thiên Chúa Quyền Năng, Thiên Chúa của họ, Ðấng đã giải thoát và đưa họ lên từ Ai-cập.

Bài học về dùng của sai lầm

Dân Ít-ra-en đã bị sa vào cạm bẩy của sự giàu có vật chất, thay vì sử dụng nó để xây dựng công trình thờ phượng Thiên Chúa (như họ sẽ dùng số vàng bạc góp được để đóng góp vào công trình Lều Tạm ít lâu sau ,như ta đã nhắc tới trên kia), thay vì dùng nó để làm nhiều điều hữu ích khác cho đồng loại cũng như cho bản thân ( như ta đã thấy nơi các vị tổ phụ), họ đã dùng vàng bạc họ có mà làm chính điều Thiên Chúa tuyệt đối cấm : đúc ngẫu tượng để tôn thờ, bắt chước các dân khác. Ðó là cấm kỵ đầu tiên của  Mười Ðiều Răn  (xin xem Xh 20,1-6 ; 34,17 ; Ðnl 5,6-8). Họ đã phạm tội chống lại Thiên Chúa.

Cách này hay cách khác, lỗi lầm thuộc loại này không phải hoàn toàn xa lạ đối với mỗi chúng ta, những con người đầy yếu đuối. Vậy, thiết tưởng, kinh nghiệm vấp ngã này của Dân sẽ là một nhắc nhỡ hữu ích cho mỗi người trong việc sử dụng sự  giàu có  của mình.
An Thụ
Nguồn: simonhoadalat.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét